Marcel Duchamp - Người đứng trên vai của chủ nghĩa Lập thể
Khi đường đi và mục tiêu ổn định với sáng tác hướng đến Lập thể, hoạ sĩ Nhựt trăn trở với việc kiểm chứng một triết lý trong nghệ thuật, cốt là để củng cố các giá trị và những tiêu chí nghiêm túc trong nghệ thuật mà anh theo đuổi. Và để hiểu hơn về triết lý trong nghệ thuật cũng như đặt để những tác phẩm của anh ở một địa vị nhất định. Sự đánh giá cao trong tác phẩm nghệ thuật liệu có phải nằm trong chính các đối tượng mà anh diễn tả, hay nó đi xa hơn và rằng đôi khi tác phẩm không chỉ để nhìn, sự định giá cho nó liệu có đáng không, và có những tiêu chi nghiêm túc nào để định giá của một tác phẩm nghệ thuật của anh.
Dưới đây là những điều tự sự của họa sĩ Nhựt, những giới thiệu mang tính sơ lược về các giai đoạn và những tượng đài lớn trong nghệ thuật đã ảnh hưởng tới các phong cách sáng tác trên con đường thực hành nghệ thuật của bản thân anh. ( Những thông tin được trích trong luận văn thạc sĩ cá nhân của hoạ sĩ Nguyễn Duy Nhựt với tên gọi " HỘI HỌA LẬP THỂ TẠI VIỆT NAM VÀ QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN" -hoàn thiện vào năm 2021)
Marcel Ducham sinh ngày 28/7/1887. Là một họa sĩ, nhà điêu khắc người Pháp, ông nhập tịch Mỹ vào năm 1954. Trưởng thành ở một môi trường nghệ thuật lý tưởng ở Paris. Các ghiên cứu hội họa của ông đi từ Dã thú tới Lập thể rồi Ấn tượng, ông đã góp phần trong việc tái định nghĩa về giá trị nghệ thuật trong thế kỷ 20, chịu trách nhiệm cho sự phát triển đáng kể trong hội họa và điêu khắc, đưa nghệ thuật lên một tầm cao mới, tái cấu trúc những nguyên tắc thiết kế hình ảnh, quan tâm đến sự chuyển động trong không gian lẫn thời gian và thiết lập một hệ tư tưởng phát triển nghệ thuật "tâm trí".
Những năm đầu trong sự nghiệp, ông mê mẩn với sự mơ hồ, huyền ảo từ trường phái Biểu tượng trong những bức tranh của Odilon Redon, cùng với nhân cách phức tạp và những thúc đẩy từ những bản năng giới tính hiện hữu trong ông, Marcel tìm thấy thêm sự say mê với trường phái Siêu thực, và tham gia vào phong trào Dada chỉ vì thấy nó buồn cười và tầm thường. Ngoài những ảnh hưởng cùng ngành, ông còn tìm thấy cảm hứng sáng tác khi tiếp xúc với các nhà thơ, nhà văn. Những ảnh hưởng chồng chéo lên nhau đã tạo ra một Marcel Ducham nổi loạn, táo bạo và được nhìn nhận là " một kẻ đào ngũ suy đồi" với các tác phẩm khiến những nhà phê bình nghệ thuật làm việc không ngưng nghỉ. Một số những nhà phân tích nghệ thuật còn hoài nghi những mức độ quan tâm của Marcel đến các vấn đề tâm linh trong việc lồng ghép và đan xen những hình ảnh, tạo ảo giác không gian để nói lên được thực tế của xã hội.
Sự nổi loạn trong ông với việc bác bỏ các chuẩn mức trong nghệ thuật thực sự đã đem lại cho các nghệ sĩ cùng thời và sau thời của ông một mảnh đất màu mở để thể hiện những điều ngoài " cái nhìn thường nhật". Khiến người ta thực sự phải đắn đo suy nghĩ về giá trị cốt lõi của nghệ thuật. Các tác phẩm được giới thiệu với nét đẹp khởi thủy, những quy định về tiêu dùng vật chất đã không còn ràng buộc trong các vật dụng phi mỹ hằng ngày, nhưng nó đã được nâng cấp lên thành giá trị nghệ thuật độc đáo bởi các ý niệm mà nó đem lại cho người xem. Ví như tác phẩm " In advance of the Broken Arm ( 1915)tạm dịch là lường trước chuyện gãy tay".
In advance of the Broken Arm ( 1915)
Marcel có những nhận định và sự quan tâm đến các yếu tố gán ghép cho nghệ thuật. Các lý thuyết đó đã được ông thử nghiệm với những bút danh khác nhau như R.Mutt, Rrose Selavy.... Cái ông muốn đó là tìm ra được cái cốt lõi trong nghệ thuật, những giá trị thực của tác phẩm ngoài mặt chữ ký, ví như việc ông đặt một chiếc bồn tiểu trong bảo tàng và ký tên lên đó là R. Mutt năm 1917.
Tác phẩm đã tạo ra được một cuộc cách mạng trong nghệ thuật. Một cái tên đầy cảm hứng đặt cho nó " Fountain tạm dịch đài phun nước". Chiếc bồn tiểu thực sự đã mang lại nhiều cảm hứng nghệ thuật đương đại cho thế giới. Tác phẩm dẫn dắt, đưa người xem nhiều câu hỏi và tạo nhiều ý niệm bên trong với vẻ bề ngoài được chế tác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người. Có nhiều những tác phẩm khác như " Bicycle Wheel - năm 1913" hay " The Large Glass"... cũng được ông giới thiệu cho công chúng với nhưng "tuyên ngôn mỹ cảm" khác lạ. Ông đã cho thấy được mối quan tâm cho nghệ thuật thực sự nằm ở những ý niệm phục vụ cho trí óc chứ không ở việc làm hài lòng với thị giác.
Tác phẩm Nude Descending a staircase, No.2 _Khoả thân bước xuống cầu thang, số 2 - năm 1912
Bức tranh gây ra một cuộc rúng động lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật khi được ra mắt. Đối mặt với những nhạo báng, chỉ trích và từ chối, bức tranh này đã vươn lên trở thành một kiệt tác nghệ thuật. Nhiều nhận định cho thấy bức tranh này gần với xu hướng Vị lai hơn là Lập thể, tuy nhiên ông đã bác bỏ việc mình theo chủ nghĩa Vị lai. Toàn bộ những ý tưởng của ông đến từ sự quan tâm đặc biệt đến những chuyển động, tốc độ trong một khoảng thời gian của các nhân vật trong những bức ảnh của Eadweard Muybridge với những chuỗi liên hoàn hình ảnh được chụp lại.
Eadweard Muybridge và bức ảnh chuyển động của ông
Marcel Ducham đã vận dụng cái nhìn liên tiếp nhau trong điện ảnh để đưa vào bức tranh của mình. Khác với Lập thể, đối tượng được nhìn ở những không gian khác nhau trong trạng thái tĩnh, Marcel muốn thể hiện sự di chuyển của chủ thể trong trạng thái động.
Hiệu ứng nhoè được tạo bằng cách sắp xếp các lớp hình, các đường thẳng buông lơi, lỏng lẻo tạo ra những cạnh sắc nét, và hình dạng mờ nhạt thì tạo ra những cử chỉ không rỏ ràng. Tông màu ấm áp hài hoà nổi bật trên nền tối tương phản làm sắc nét thêm những góc cạnh của chủ thể. Nếu như ông không đặt tên thì khó có thể phân định được chuyển động này là lên hay xuống cầu thang. Các ví dụ về sự di chuyển điều được diễn tả với vô số các đường cong dài ngắn khác nhau. Từ những đường cong dứt khoác dưới phần chân cho tới những điểm trắng cong nhỏ ngay vùng eo nhân vật như thể gợi được chuyển động xoay một cách nhẹ nhàng uyển chuyển của một cô gái. Duchamp đã miêu tả hình ảnh khoả thân thật sự khác biệt. Những cuộc tranh luận diễn ra thời điểm đấy cũng chính vì Duchamp đã cho thấy một phương diện khác của nghệ thuật hội hoạ, sự chia nhỏ đối tượng trong không gian để tạo hiệu ứng về thời gian khiến chúng như một đoạn phim trên một bức toan vẽ.
Những tàn dư của một cuộc đời nghệ thuật lừng lẫy Machel Ducham được ví như một cuốn hộ chiếu để cho chúng ta thấy được những nơi ông đã dừng chân. Ông không chỉ đưa các chiều không gian lên toan vẽ, mà còn ghi lại dấu ấn thời gian từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai...