Pablo Ruiz Picasso - Người thống lĩnh chủ nghĩa lập thể
Bước đầu định hình được cái mà mình mong muốn theo đuổi, họa sĩ Nhựt vẫn say mê đi tìm nhiều hơn một lời giải thích cho những tác phẩm của mình. Lẽ dĩ nhiên, anh luôn lấy những thế hệ đi trước làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật, nhưng điều mà họa sĩ nào cũng đắn đo suy nghĩ đó chính là " làm cách nào để vượt ra khỏi những bóng hào quang huyền thoại".
Dưới đây là những điều tự sự của họa sĩ Nhựt, những giới thiệu mang tính sơ lược về các giai đoạn và những tượng đài lớn trong nghệ thuật đã ảnh hưởng tới các phong cách sáng tác trên con đường thực hành nghệ thuật của bản thân anh. ( Những thông tin được trích trong luận văn thạc sĩ cá nhân của hoạ sĩ Nguyễn Duy Nhựt với tên gọi " HỘI HỌA LẬP THỂ TẠI VIỆT NAM VÀ QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN" -hoàn thiện vào năm 2021)
Picasso sinh ngày 25/10/1881- là họa sĩ và là nhà điêu khắc người Tây Ban Nha.
Có thể nói người tiên phong cho chủ nghĩa lập thể là Paolo Picasso và Georges Braque, điều mà họ làm được đó là xây dựng một cái nhìn khác của hội họa, cái đã tạo ra một phong trào nghệ thuật lớn từ 1907-1911 tại Pháp. Lập thể là phương pháp tiếp cận mục tiêu bằng việc loại bỏ những kỹ thuật truyền thống về phối cảnh, nó được xem như một giải pháp mới về hội họa hiện đại, đem lại cái nhìn ước lệ, thỏa mãn được trí tưởng tượng và khao khát chinh phục những con đường mới trong nghệ thuật.
Với Picasso, nghệ thuật của ông mang tính cấp tiến cho nên, hầu như các nghệ sĩ ở thế kỷ 20 trở về sau khó có thể thoát khỏi những ảnh hưởng từ ông. Và họa sĩ Nhựt cũng không ngoại lệ, phong cách sáng tác của Picasso đã ảnh hưởng không ít trong vô vàn những phong cách mà anh nghiên cứu.
Các giai đoạn sáng tác của Picasso gồm có các giai đoạn sau:
- Thời kỳ Lam ( 1901-1904)
- Thời kỳ Hồng ( 1905-1907)
-Thời kỳ ảnh hưởng văn hóa Châu Phi ( 1908-1909)
- Thời kỳ Lập thể phân tích( 1909-1912)
- Thời kỳ Lập thể tổng hợp ( 1912-1919)
Trong vô vàn các tác phẩm của Picasso, anh có một ấn tượng với tác phẩm những cô nàng ở Avignon ( Les Demoiselles d' Avignon) (1907).
Mất 9 tháng để hoàn thành, tác phẩm là một dấu móc quan trọng đánh dấu một sự khởi đầu mới trong sự nghiệp sáng tạo của Picasso. Với lối thể hiện đầy táo bạo và khác biệt. Điển hình qua việc tạo hình các cô gái trong tác phẩm Avignon. Hình ảnh các cô gái được Picasso sử dụng thủ pháp “Khái lược hình tượng” bằng những đường thẳng mạnh mẽ, nhưng vẫn không xa rời cấu trúc tạo hình. Cách sử dụng những khoảng không gian trong tạo hình của Picasso cũng phá vỡ những quy cách thông thường của luật phối cảnh. Ông tinh tế sử dụng nhịp điệu và đường nét để tạo chuyển động và chiều sâu cho tác phẩm. Các nét vẽ thô cứng, đôi khi lại bị gẫy gắt, vặn vẹo của hình tượng không làm cho người xem cảm thấy khó chịu. Về phần miêu tả nhân vật, Picasso làm nổi bật hình tượng qua việc khắc họa những gương mặt của các cô gái, với đôi mắt nhìn xa xăm vô định kết hợp với các tư thế, dáng dấp khác nhau cho ta thấy được sự phong phú về mặt thị giác trền nền tảng của sự giản lược về cấu trúc tạo hình. Bên cạnh đó, Picasso chủ động thay đổi, bóp méo chân dung các nhân vật. Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi cho những người xem tranh. Dưới góc độ cá nhân nhận thấy, việc thấy đổi các gương mặt khác nhau chính là cách mà Picasso muốn kể chuyện và thể hiện nội dung của tác phẩm. Ta thấy nhóm hình ba cô gái với những đôi mắt vô định, được tạo hình với những gương mặt rõ nét. Trái ngược với hai cô còn lại, được tạo hình trong một góc khuất, và chân dung thì được miêu tả dưới lớp mặt nạ có nét ảnh hưởng của nền điêu khắc nguyên thủy Châu Phi. Phải chăng tác giả đang muốn thể hiện một câu chuyện về những góc tối của hai cô gái ấy dưới lớp mặt nạ kia. Như thông điệp mà Picasso muốn truyền tải về thân phận của những phụ nữ trong bối cảnh lịch sử đương thời, và các cô gái Avignon là những đại diện tiêu biểu cho cảm quan về nhân sinh của Picasso lúc bấy giờ. Bức tranh đã truyền cảm hứng cho tôi trong việc tìm kiếm những hình tượng sáng tác mới. Tôi trăn trở về cách dựng hình, ngẫm nghĩ về bố cục, suy tư về các kỹ thuật sáng tác. ( trích từ luận văn cá nhân hoạ sĩ )
Một tác phẩm nữa không thể không nhắc tới trong con đường tìm hiểu hội họa từ Picasso của anh đó là tác phẩm Guernica (1937)
Đây là kiệt tác hội họa của thời đại mà Picasso đã để lại cho nhân loại. Tranh với kích thước lớn 349 x776 cm được vẽ vào thời điểm thành phố Guerneca ( Tây Ban Nha ) bị đánh bom. Khi nghe tin quê hương bị tàn phá bởi phát xít Đức, ông đã đau khổ thay cho nổi đau nhân loại và vẽ nên bức tranh để bày tỏ tình yêu với quê hương đất nước, và để lên án một chế độ độc tài, thể hiện lòng căm giận với những kẻ cầm quyền.
Bức tranh Guernica được Picasso tối giản về màu sắc đến mức chỉ còn đen - trắng và vài vệt vàng nhạt. Sự tương phản sáng - tối trong những hình hài mang tính biểu tượng, vẫn không làm mất đi nét sinh động cho tổng thể bố cục của tác phẩm. Tổng thể bức tranh thoảng nhìn qua là những mảng hình vỡ vụn, được phơi bày trên một mảng không gian u ám của sự tang thương. Với lối sử dụng những đường nét thẳng, cong, gấp khúc…táo bạo, kết hợp với những nét chi tiết khắc họa đặc điểm và biểu cảm của từng nhân vật. Tất cả đã tạo nên một bối cảnh xã hội hỗn loạn, đau đớn, bất lực của của người dân với những thế lực chính trị. Những nét miêu tả đặc điểm nhân vật Picasso chủ động cách điệu theo một cách nhìn của trạng tái cảm xúc của riêng ông, như hình tượng người phụ nữ ôm con gào thét trong đau khổ, hay hình ảnh những xác người nằm xuống vì bom đạn, cùng với những thân phận con người đang kêu gào bất lực. Cũng trên bình diện hỗn loạn ấy, ông miêu tả một chế độ độc tài xấu, ác và thế lực tay sai ngơ ngác thờ ơ với sự đau thương của người dân.
Nếu như ở tác phẩm Những cô nàng ở Avignon chỉ là thay đổi biểu cảm của chân dung nhân vật dưới lớp mặt nạ châu phi, trên nền tảng tạo hình nhân vật theo lối “hiện thực hư ảo” Thì ở cách tạo hình nhân vật trong tác phẩm Guernica cho ta liên tưởng đến chiều không gian thứ ba một cách rõ nét và gần như chạm đến với tư duy siêu thực. Có thể danh họa Picasso yêu hòa bình, phản đối chiến tranh không chỉ bằng hành động, lời nói mà bằng cả những nét vẽ của mình. Ông quan niệm vẽ về chiến tranh không phải là bom đạn, đao kiếm, mà chính là sự đau khổ, là địa ngục, tiếng gào thét của con người và cả động vật, là những em bé, phụ nữ, con ngựa, chim… Picasso ám chỉ sự vô cảm của những thế lực tay sai cho tội ác bằng hình tượng những con bò ngơ ngác yên lặng trước bối cảnh xã hội đang ai oán đau thương. Những hình tượng được mô tả bi thảm, chết chóc biểu thị sự nguyền rủa, lên án kẻ gây tội ác, mặt khác còn nói lên sự quật cường của người bị nạn đang nỗ lực vươn lên chiến thắng bóng đêm và các thế lực bạo tàn. ( trích từ luận văn cá nhân hoạ sĩ )
Hành trình tìm kiếm bản thân dựa trên việc kế thừa những tinh hoa của Picasso đã cho anh những trải nghiệm hội họa thật độc đáo, từng bước định hình được phong cách sáng tác riêng. Trong quá trình sáng tác, anh cũng tự cho mình những mục tiêu để vươn đến, mòn mỏi đi tìm các phong cách khác nhau, đi từ hiện thực đến trừu tượng rồi ý niệm, đến biểu hiện và siêu thực. Anh dày công nghiên cứu về Picasso về những giai đoạn đầu của trường phái lập thể tại Việt Nam. Những trăn trở trong việc lựa chọn khối hình, những băng khoăng trong bút pháp thể hiện, sự đắn đo về màu sắc trong tranh... tất cả là chăng đường khó khăn vất vả và đôi lúc bế tắt khi mà mãi anh vẫn chưa hiểu được bản thân mình thật sự muốn gì..... Mời bạn đón đọc phần tiếp theo!