Thời gian làm việc: Từ 9h00 đến 22h00

NHỰT ARTIST - Trong sáng tác của mình, tôi thường bắt đầu với một ý tưởng hay một hình tượng gợi ý nào đó trong tâm trí, có thể là một hình tượng được tìm thấy trong đời thực, nó như một đoạn ký ức hoặc một hình ảnh, vết tích được lóe lên từ những khoảnh khắc trong đời sống.

ARTWORKS

Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình dài thể nghiệm của tâm trí, thị giác, chất liệu và xúc cảm. Xoay quanh mảng đề tài Sự chuyển biến của Nội Thức. Thể hiện những khát khao trên con đường tìm kiếm sự thật của đời sống và con người thật của bản thân giữa đời sống. Nhiều khoảnh khắc va chạm của nhiều trạng thái cảm xúc được dồn nén hoặc buông lơi trong một chiều không gian giới hạn.

Hợp tác tác quyền hình ảnh với doanh nghiệp

Đỗ Phúc Thái Nguyên
|
Ngày 31/08/2023

Nhấp vào link để xem chi tiết https://koro.love/firstnft/

Xem thêm

Hợp tác với doanh nghiệp

Đỗ Phúc Thái Nguyên
|
Ngày 31/08/2023

Nhấp vào link để xem chi tiết. https://koro.love/khi-kinh-doanh-ket-noi-voi-nghe-thuat-tai-koro/?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

Xem thêm

Trở lại Paris tháng 6/2023

Nguyễn Duy Nhựt
|
Ngày 27/06/2023

Trở lại Paris  tháng 6 / 2023 Tiết trời Paris tháng 6 nhẹ nhàng, khí trời se lạnh, kinh đô của ánh sáng, trái tim của Châu Âu vẫn thu hút những con người yêu văn hoá và nghệ thuật.  Chuyến đi trở lại Paris lần này, tôi thật không khỏi xúc động. Đến Pháp với lòng biết ơn chân thành gởi đến vợ chồng gia đình Bác Thuỵ Khuê và Lê Tất Luyện.    Thuỵ Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ, sinh năm 1944 tại Nam Định, là một nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật.    Vợ chồng Lê Tất Luyện và Thuỵ Khuê.   Lên đường đến Pháp, các danh hoạ như Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Bá Đảng... mang một hành trang đậm hồn Việt và luôn hướng về dân tộc. Thuỵ Khuê là người gắn bó với với các nghệ sĩ, cùng sinh hoạt và chia sẻ với nhau trong những tháng ngày sống xa quê hương. Thuỵ Khuê âm thầm bên cạnh, ghi nhận và suy niệm hết thảy những sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp của các danh hoạ. Có thể nói, mối quan hệ của hai Bác với các danh hoạ đương thời ví như tình cảm của những người thân ruột thịt. Nói như vậy để có thể hình dung được rằng, không ai có thể hiểu hơn về các danh hoạ ấy bằng Thuỵ Khuê.    Thuỵ Khuê cùng ông bà Vũ Cao Đàm ( Saint- Paul de Vence 1991)   Sinh sống tại Pháp, vượt khỏi những rào cản kiểm duyệt, vượt khỏi những tư tưởng bị ràng buộc, điều này không chỉ làm tăng thêm được những nhu cầu đúng đắn trong việc nhìn nhận và yêu mến nghệ thuật của Thuỵ Khuê, mà nó còn nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển trách nhiệm của Thuỵ Khuê đối với nghệ thuật Việt Nam. Bác ưu ái trao tặng đến bảo tàng Mỹ thuật Tp.Hcm những tác phẩm nghệ thuật cùng những tư liệu quý giá của các hoạ sĩ như Lê Thị Lựu, Lê Bá Đảng... với mong muốn người Việt có thêm những tài sản tinh thần quý giá.  Sức ảnh hưởng của Thuỵ Khuê không chỉ nằm ở việc Bác là một nhà phê bình, mà nó còn nằm ở tấm lòng rộng lượng và tính cộng đồng. Chưa nói tới việc, bên cạnh Bác là một người chồng tri thức, hiểu biết, yêu nghệ thuật và luôn ủng hộ mọi quyết định của Bác.  Chính sự hào phóng và rộng lượng của 2 vợ chồng Bác, mà chúng ta... thế hệ trẻ ngày nay có được  cơ hội nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật tưởng chừng mãi mãi không chạm tới được.  Tôi hạnh phúc và hào hứng đến Pháp cùng mong muốn, khát khao đón nhận những giá trị có lợi cho việc gìn giữ và phát huy tinh thần dân tộc. Từng bước chân tôi đi đến, nơi các hoạ sĩ và gia đình Bác Thuỵ Khuê sinh sống và hoạt động nghệ thuật. Nghe Bác tâm sự từ những khó khăn trong những ngày đầu đến Pháp, cho đến những giây phút vui vẻ trao đổi học thuật của những con người tri thức... Tôi xúc động và cảm thấy mình cần nhiều hơn một trách nhiệm trong cuộc đời.      Paris ngày trở lại 26/ 6/2023           

Xem thêm
Xem thêm

GIÁO DỤC

SÁNG TÁC NGHỆ THUẬT LÀ SỰ CHẮC LỌC NHỮNG TINH TUÝ KẾT HỢP VỚI SỰ SÁNG TẠO VÀ CÁ TÍNH RIÊNG. TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT RA ĐỜI LÀ SỰ KẾ THỪA NHỮNG GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA CÁC THẾ HỆ ĐI TRƯỚC. MỖI NGHỆ SĨ MANG LẠI CHO TA NHỮNG CẢM XÚC KHÁC NHAU. TỪ ĐÓ CHÚNG TA TÌM ĐƯỢC CÁI RIÊNG BÊN TRONG MÌNH.
Hành trình xuyên hiện thực - Phần 1- Paul Cézanne - Người đắp nền của chủ nghĩa lập thể
Hành trình xuyên hiện thực - Phần 1- Paul Cézanne - Người đắp nền của chủ nghĩa lập thể

Hành trình xuyên hiện thực - Phần 1- Paul Cézanne - Người đắp nền của chủ nghĩa lập thể

Paul Cézanne - Người đắp nền của chủ nghĩa lập thể   Không riêng gì hoạ sĩ Nhựt, những giai đoạn đầu của hội hoạ Lập thể luôn thu hút các nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật. Chân dung của trường phái này, được  khắc hoạ từng bước rỏ nét qua sự hiện diện cao ngất ngưỡng của một tượng đài nghệ thuật Paul Cezanne. Bước chân của Paul Cezanne mang lại cho hoạ sĩ Nhựt bước đầu hiểu biết ngọn ngành về những vấn đề xoay quanh tới hướng sáng tác mà anh đang theo đuổi. Giải thích cho anh những hoài nghi về tâm thức, hướng anh từng bước định hình được cái hoài vọng mà ngày đêm anh nung nấu.  Dưới đây là những điều tự sự của họa sĩ Nhựt, những giới thiệu mang tính sơ lược về các giai đoạn và những tượng đài lớn trong nghệ thuật đã ảnh hưởng tới các phong cách sáng tác trên con đường thực hành nghệ thuật của bản thân anh. ( Những thông tin được trích trong luận văn thạc sĩ cá nhân của hoạ sĩ Nguyễn Duy Nhựt với tên gọi " HỘI HỌA LẬP THỂ TẠI VIỆT NAM VÀ QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN" -hoàn thiện vào năm 2021)   Cuối thế kỉ XX, khoa học và kĩ thuật đạt được nhiều thành tựu cùng việc đổi mới công nghệ đã tạo nên cuộc cách mạng ở châu Âu. Một cục diện xã hội mà tất cả con người phụ thuộc phần lớn vào lí trí, tin tưởng triệt để các học thuyết duy vật biện chứng, chối bỏ “Thượng Đế”, đề cao lí tính đã dẫn đến các họa sĩ không tìm được lối thoát, giam mình trong xưởng vẽ, tự hạn chế trong khuôn khổ “sáng tác cho cá nhân” và chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nhà sử học nghệ thuật Douglas Cooper nói rằng Paul Gauguin và Cézanne “là đặc biệt có ảnh hưởng đến sự hình thành của Chủ nghĩa Lập thể và đặc biệt quan trọng đối với những bức tranh của Picasso trong năm 1906 và 1907”.  Như vậy, Cézanne là ai? cội nguyên của chủ nghĩa Lập thể như thế nào mà làm cả thế giới hôm nay quan tâm đến thế? Ngay cả Picasso, một người được mệnh danh là ông vua của chủ nghĩa Lập thể vẫn thốt lên với những đồng nghiệp của mình trong một cuộc trò chuyện vào những năm 1920 rằng: Cézanne “là cha của tất cả chúng ta”. Đây có thể là một câu nói mông đùa của Picasso, nhưng cũng đủ cho người khác thấy rằng sự tôn trọng của một ông hoàng lập thể như Picasso dành cho Cézanne là điều không thể dễ dàng bị bác bỏ.     Paul Cézanne (sinh ngày 19 tháng 1 năm 1839 , mất ngày 22 tháng 10 năm 1906) là một nghệ sĩ người Pháp và họa sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng, tác phẩm của ông đã đặt nền móng cho sự chuyển đổi từ quan niệm về nỗ lực nghệ thuật của thế kỉ 19 sang một thế giới nghệ thuật mới và hoàn toàn khác trong thế kỉ XX. Có thể nói Cézanne là cầu nối giữa chủ nghĩa Ấn tượng cuối thế kỉ 19 và dòng nghiên cứu nghệ thuật mới về chủ nghĩa Lập thể của đầu thế kỉ XX. Tác phẩm của Cézanne thể hiện sự điêu luyện về kĩ thuật, màu sắc, bố cục và khả năng miêu tả. Những nét vẽ thường lặp đi lặp lại, nhạy cảm và khám phá của ông ấy rất đặc trưng và dễ nhận biết. Ông đã sử dụng các mặt phẳng màu và các nét vẽ nhỏ tích tụ để tạo thành các trường phức tạp, đồng thời vừa là biểu hiện trực tiếp cảm giác từ mắt quan sát vừa là sự trừu tượng từ bản chất quan sát được.  Các bức tranh truyền tải sự nghiên cứu kỹ lưỡng của Cézanne về các đối tượng của mình, một cái nhìn tìm kiếm và một cuộc đấu tranh kiên cường để đối phó với sự phức tạp của nhận thức thị giác con người. Mục tiêu của Cézanne là luôn muốn dành phần chưa hoàn thiện của các tác phẩm mình để đề cao sự vô hạn của thiên nhiên và tạo hóa, trong suy nghĩ của riêng ông cho rằng: “con người không bao giờ đạt được hoàn toàn sự tuyệt đối vô hạn của vũ trụ”. Ông đã bỏ dở hầu hết các tác phẩm của mình và phá hủy nhiều tác phẩm khác. Ông phàn nàn về sự thất bại của mình trong việc vẽ hình người, và thực sự đó lại là những tác phẩm tượng hình vĩ đại trong những năm sống và làm việc cuối cùng của ông, chẳng hạn như: The Large Bathers (khoảng 1899-1906, Bảo tàng Nghệ thuật, Philadelphia)   The Large Bathers  in Philadenphia Museum of art Đây là một trong hàng trăm kiệt tác vĩ đại nhất xuất hiện trong series phim tài liệu của đài BBC. Cezanne có rất nhiều bức họa "bather" vì thế để dễ phân biệt, kiệt tác này thường được biết đến với tên gọi "Large Bathers" hay "Big Bathers". Với cách nhìn giản lược về cấu trúc hình thể, các nhân vật và bối cảnh của bức tranh được Cezanne quy ước theo mảng hình học dưới sắc độ sang tối hòa quyện vào nhau của từng nhóm nhân vật. Các chi tiết cùng liên kết với nhau bằng những đường thẳng, hình khối của những thân cây, nhịp nét đơn giản để biểu thị đường chân trời hay gợi mở không gian cho tổng thể bức tranh một cách nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần chắc chắn. Tất cả cùng liên kết với nhau trên nền bút pháp của trường phái ấn tượng đầy sinh động. Trong nhiều năm, Cézanne chỉ được biết đến với các đồng nghiệp theo trường phái ấn tượng cũ của mình và một số nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng cực đoan trẻ hơn, bao gồm họa sĩ Hà Lan là Vincent van Gogh và họa sĩ Pháp là Paul Gauguin.  Tuy nhiên ở góc độ nhận định của các nhà phê bình nghệ thuật thì cho rằng: “Khi một xã hội quá tôn sùng vật chất và các định lí, niêm luật dày đặc trong nhận thức”. Thì khi đối diện với Cezanne một con người sống cho lí tưởng tự nhiên, luôn hướng đến những giá trị vô hạn của vũ trụ... Họ không thể cảm thụ được những quan điểm và tư duy nghệ thuật của ông. Cezanne dường như là một người sơ khai ngây thơ, trong khi đối với những người khác, ông là một bậc thầy phức tạp về quy trình kĩ thuật. Cường độ màu sắc của ông, cùng với sự nghiêm ngặt rõ ràng của quá trình sáng tác cho thấy nỗi thất vọng thường xuyên của nghệ sĩ, Cezanne đã tổng hợp các yếu tố biểu cảm và đại diện cơ bản của hội họa theo cách nguyên bản cao và theo cảm thụ của riêng ông. Những nét sơ khai của sự giản lược trong tranh Cezanne đã tạo nền tảng cho sự xuất hiện của  chủ nghĩa Lập thể.  Chúng khiến người xem có cảm giác nửa vời, chưa hoàn thiện... nhưng nó là cả một mối suy tư lớn lao của người nghệ sĩ, mọi thứ được "kết mở" để tự mỗi con người hoàn thiện dưới góc nhìn cá nhân. Và rồi từ đó những chiều kích không gian dần mở ra, hội hoạ Lập thể từng bước hình thành và phát triển.

Hành trình xuyên hiện thực - Phần 4- Kiểm chứng một triết lý nghệ thuật từ Marcel Duchamp
Hành trình xuyên hiện thực - Phần 4- Kiểm chứng một triết lý nghệ thuật từ Marcel Duchamp

Hành trình xuyên hiện thực - Phần 4- Kiểm chứng một triết lý nghệ thuật từ Marcel Duchamp

Marcel Duchamp - Người đứng trên vai của chủ nghĩa Lập thể   Khi đường đi và mục tiêu ổn định với sáng tác hướng đến Lập thể, hoạ sĩ Nhựt trăn trở với việc kiểm chứng một triết lý trong nghệ thuật, cốt là để củng cố các giá trị và những tiêu chí nghiêm túc trong nghệ thuật mà anh theo đuổi. Và để hiểu hơn về triết lý trong nghệ thuật cũng như đặt để những tác phẩm của anh ở một địa vị nhất định. Sự đánh giá cao trong tác phẩm nghệ thuật liệu có phải nằm trong chính các đối tượng mà anh diễn tả, hay nó đi xa hơn và rằng đôi khi tác phẩm không chỉ để nhìn, sự định giá cho nó liệu có đáng không, và có những tiêu chi nghiêm túc nào để định giá của một tác phẩm nghệ thuật của anh.  Dưới đây là những điều tự sự của họa sĩ Nhựt, những giới thiệu mang tính sơ lược về các giai đoạn và những tượng đài lớn trong nghệ thuật đã ảnh hưởng tới các phong cách sáng tác trên con đường thực hành nghệ thuật của bản thân anh. ( Những thông tin được trích trong luận văn thạc sĩ cá nhân của hoạ sĩ Nguyễn Duy Nhựt với tên gọi " HỘI HỌA LẬP THỂ TẠI VIỆT NAM VÀ QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN" -hoàn thiện vào năm 2021)   Marcel Ducham sinh ngày 28/7/1887. Là một họa sĩ, nhà điêu khắc người Pháp, ông nhập tịch Mỹ vào năm 1954. Trưởng thành ở một môi trường nghệ thuật lý tưởng ở Paris. Các ghiên cứu hội họa của ông đi từ Dã thú tới Lập thể rồi Ấn tượng, ông đã góp phần trong việc tái định nghĩa về giá trị nghệ thuật trong thế kỷ 20, chịu trách nhiệm cho sự phát triển đáng kể trong hội họa và điêu khắc, đưa nghệ thuật lên một tầm cao mới, tái cấu trúc những nguyên tắc thiết kế hình ảnh, quan tâm đến sự chuyển động trong không gian lẫn thời gian và thiết lập một hệ tư tưởng phát triển nghệ thuật "tâm trí".   Những năm đầu trong sự nghiệp, ông mê mẩn với sự mơ hồ, huyền ảo từ trường phái Biểu tượng trong những bức tranh của Odilon Redon, cùng với nhân cách phức tạp và những thúc đẩy từ những bản năng giới tính hiện hữu trong ông, Marcel tìm thấy thêm sự say mê với trường phái Siêu thực, và tham gia vào phong trào Dada chỉ vì thấy nó buồn cười và tầm thường. Ngoài những ảnh hưởng cùng ngành, ông còn tìm thấy cảm hứng sáng tác khi tiếp xúc với các nhà thơ, nhà văn. Những ảnh hưởng chồng chéo lên nhau đã tạo ra một Marcel Ducham nổi loạn, táo bạo và được nhìn nhận là " một kẻ đào ngũ suy đồi" với các tác phẩm khiến những nhà phê bình nghệ thuật làm việc không ngưng nghỉ. Một số những nhà phân tích nghệ thuật còn hoài nghi những mức độ quan tâm của Marcel đến các vấn đề tâm linh trong việc lồng ghép và đan xen những hình ảnh, tạo ảo giác không gian để nói lên được thực tế của xã hội.   Sự nổi loạn trong ông với việc bác bỏ các chuẩn mức trong nghệ thuật thực sự đã đem lại cho các nghệ sĩ cùng thời và sau thời của ông một mảnh đất màu mở để thể hiện những điều ngoài " cái nhìn thường nhật". Khiến người ta thực sự phải đắn đo suy nghĩ về giá trị cốt lõi của nghệ thuật. Các tác phẩm được giới thiệu với nét đẹp khởi thủy, những quy định về tiêu dùng vật chất đã không còn ràng buộc trong các vật dụng phi mỹ hằng ngày, nhưng nó đã được nâng cấp lên thành giá trị nghệ thuật độc đáo bởi các ý niệm mà nó đem lại cho người xem. Ví như tác phẩm " In advance of the Broken Arm ( 1915)tạm dịch là lường trước chuyện gãy tay".    In advance of the Broken Arm ( 1915)   Marcel có những nhận định và sự quan tâm đến các yếu tố gán ghép cho nghệ thuật. Các lý thuyết đó đã được ông thử nghiệm với những bút danh khác nhau như R.Mutt, Rrose Selavy.... Cái ông muốn đó là tìm ra được cái cốt lõi trong nghệ thuật, những giá trị thực của tác phẩm ngoài mặt chữ ký, ví như việc ông  đặt một chiếc bồn tiểu trong bảo tàng và ký tên lên đó là R. Mutt năm 1917.      Tác phẩm đã tạo ra được một cuộc cách mạng trong nghệ thuật. Một cái tên đầy cảm hứng đặt cho nó "  Fountain tạm dịch đài phun nước". Chiếc bồn tiểu thực sự đã mang lại nhiều cảm hứng nghệ thuật đương đại cho thế giới. Tác phẩm dẫn dắt, đưa người xem nhiều câu hỏi và tạo nhiều ý niệm bên trong với vẻ bề ngoài được chế tác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người. Có nhiều những tác phẩm khác như " Bicycle Wheel - năm 1913" hay " The Large Glass"... cũng được ông giới thiệu cho công chúng với nhưng "tuyên ngôn mỹ cảm" khác lạ. Ông đã cho thấy được mối quan tâm cho nghệ thuật thực sự nằm ở những ý niệm phục vụ cho trí óc chứ không ở việc làm hài lòng với thị giác.   Tác phẩm Nude Descending a staircase, No.2 _Khoả thân bước xuống cầu thang, số 2 - năm 1912     Bức tranh gây ra một cuộc rúng động lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật khi được ra mắt. Đối mặt với những nhạo báng, chỉ trích và từ chối, bức tranh này đã vươn lên trở thành một kiệt tác nghệ thuật. Nhiều nhận định cho thấy bức tranh này gần với xu hướng Vị lai hơn là Lập thể, tuy nhiên ông đã bác bỏ việc mình theo chủ nghĩa Vị lai. Toàn bộ những ý tưởng của ông đến từ sự quan tâm đặc biệt đến những chuyển động, tốc độ trong một khoảng thời gian của các nhân vật trong những bức ảnh của Eadweard Muybridge với những chuỗi liên hoàn hình ảnh được chụp lại.    Eadweard Muybridge và bức ảnh chuyển động của ông   Marcel Ducham đã vận dụng cái nhìn liên tiếp nhau trong điện ảnh để đưa vào bức tranh của mình. Khác với Lập thể, đối tượng được nhìn ở những không gian khác nhau trong trạng thái tĩnh, Marcel muốn thể hiện sự di chuyển của chủ thể trong trạng thái động.  Hiệu ứng nhoè được tạo bằng cách sắp xếp các lớp hình, các đường thẳng buông lơi, lỏng lẻo tạo ra những cạnh sắc nét, và hình dạng mờ nhạt thì tạo ra những cử chỉ không rỏ ràng. Tông màu ấm áp hài hoà nổi bật trên nền tối tương phản làm sắc nét thêm những góc cạnh của chủ thể. Nếu như ông không đặt tên thì khó có thể phân định được chuyển động này là lên hay xuống cầu thang. Các ví dụ về sự di chuyển điều được diễn tả với vô số các đường cong dài ngắn khác nhau. Từ những đường cong dứt khoác dưới phần chân cho tới những điểm trắng cong nhỏ ngay vùng eo nhân vật như thể gợi được chuyển động xoay một cách nhẹ nhàng uyển chuyển của một cô gái. Duchamp đã miêu tả hình ảnh khoả thân thật sự khác biệt. Những cuộc tranh luận diễn ra thời điểm đấy cũng chính vì Duchamp đã cho thấy một phương diện khác của nghệ thuật hội hoạ, sự chia nhỏ đối tượng trong không gian để tạo hiệu ứng về thời gian khiến chúng như một đoạn phim trên một bức toan vẽ. Những tàn dư của một cuộc đời nghệ thuật lừng lẫy Machel Ducham được ví như một cuốn hộ chiếu để cho chúng ta thấy được những nơi ông đã dừng chân. Ông không chỉ đưa các chiều không gian lên toan vẽ, mà còn ghi lại dấu ấn thời gian từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai... 

Hành trình xuyên hiện thực - Phần 3- Suy tư về lập thể cùng Georges Braque
Hành trình xuyên hiện thực - Phần 3- Suy tư về lập thể cùng Georges Braque

Hành trình xuyên hiện thực - Phần 3- Suy tư về lập thể cùng Georges Braque

Georges Braque - Người logic hoá chủ nghĩa Lập thể   Bước vào con đường nghiên cứu sâu về lập thể, hoạ sĩ Nhựt thời gian đầu dường như chỉ sống với những giai thoại và các sáng tác của Picasso. Mãi sau này, khi anh bắt tay vào tìm kiếm con đường nghệ thuật riêng, anh đã đối thoại được với nhiều danh hoạ khác ngoài Picasso, tầm nhìn bao quát về nghệ thuật lập thể bắt đầu nhen nhóm và trở nên thôi thúc hơn bao giờ hết. Anh tìm đọc nhiều hơn về những danh hoạ trước, cùng, và sau thời kỳ của Picasso. Anh thấy mình cần bước qua nhiều hơn một cái bóng vĩ đại. Tìm kiếm bản thân trong sự quyết tâm vượt những hào quang lớn. Anh đã ngộ ra nhiều thứ, những thứ ngoài các quan niệm thông thường, ngoài những điều mang tính hàn lâm, học thuật.  Dưới đây là những điều tự sự của họa sĩ Nhựt, những giới thiệu mang tính sơ lược về các giai đoạn và những tượng đài lớn trong nghệ thuật đã ảnh hưởng tới các phong cách sáng tác trên con đường thực hành nghệ thuật của bản thân anh. ( Những thông tin được trích trong luận văn thạc sĩ cá nhân của hoạ sĩ Nguyễn Duy Nhựt với tên gọi " HỘI HỌA LẬP THỂ TẠI VIỆT NAM VÀ QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN" -hoàn thiện vào năm 2021)   Sinh vào năm 1882, là họa sĩ người Pháp ở thế kỷ 20, cùng với Picasso, Georges đã phát triển phong cách nghệ thuật được coi là xu hướng lập thể. Các giai đoạn sáng tác của Braque ban đầu theo trường phái ấn tượng, sau đó ông  có một cuộc ra mắt các tác phẩm dã thú vào năm 1907. Năm 1908 Braque đã có phản ứng đầu tiên đối với tác phẩm Large Nude của Picasso. Bức tranh được chú ý bởi những kết hợp thú vị từ kỹ thuật của Paul Cézanne. Năm 1909 ông và Picasso đã tạo ra các tác phẩm với những màu đơn sắc với các khối hình thì được kết nối, lồng ghép vào nhau. Tình bạn thân thiết giữa hai người đã đóng một vai trò quan trong trong sự phát triển của hội họa Lập thể. Và để giữ cho phong cách Lập thể luôn mới mẻ, ông và Picasso đã chuyển hướng sáng tác từ hình tượng con người sang đồ vật như tác phẩm Violin và Palette của Braque  Mùa hè năm 1911 là một dấu móc quan trọng với các nghệ sĩ,  họ cùng tham gia một trại sáng tác tại dãy núi Pyrenees của Pháp. Kết quả cuối cùng của thời gian họ sáng tác cùng nhau là sự phát triển của một phong cách hội họa mới, chủ nghĩa lập thể phân tích. Phong cách của Chủ nghĩa lập thể phân tích được xác định bằng cách tạo hình các đối tượng dưới góc nhìn đa chiều, đứt gãy với một bản màu được hạn chế tố i đa. Khi chiến tranh nổ ra, sự xung đột và đổ vỡ từ chiến tranh chưa bao giờ giúp ích cho các nghệ sĩ, những người cần sự thịnh vượng và hòa bình để họ dung dưỡng đam mê. Số phận của Chủ nghĩa lập thể cũng bị ảnh hưởng, và rồi người ta biết đến hai phong trào, Chủ nghĩa lập thể trước chiến tranh và Chủ nghĩa lập thể sau chiến tranh. Trở về từ quân đội Pháp trong chiến tranh thế giới thứ I, ông đã bị thương nặng trên chiến trường. Picasso rất quan tâm đến ông và nhiều lần đến thăm ông, nhưng Braque nhận ra con đường họ đi dường như đã khác nhau, từ đó ông rời xa những nét vẽ khắc nghiệt và sự phức tạp trong lập thể, thay vào đó ông bắt đầu vẽ với màu sắc tươi sáng rồi trở lại với việc với hình người. Trong khi Picasso phát triển và xây dựng một chiến lược tạo danh tiếng cho mình, di chuyển theo những là sóng mới, làm chủ nó và tự do với nhiều phong cách khác nhau từ tượng trưng đến lập thể, đến siêu thực và trừu tượng, thì Braque đã đi con đường khác, ông giữ đúng một hình thức phân mảng và quy luật phối cảnh đồng nhất của mình. Phát triển Lập thể với những mảng màu đậm lớn, nhấn mạnh hình dáng của đối tượng như tác phẩm Glass, pipe,and new paper năm 1917. Đến thế chiến thứ II các tác phẩm của ông rẻ hướng với màu sắc tối hơn thể hiện sự đau thương và u ám mà thế giới đang trải qua, sau chiến tranh, ông tập trung những chủ đề nhẹ nhàng hơn, ông vẽ chim, phong cảnh biển, đất liền...Ông đã cho thấy được Chủ nghĩa Lập thể tạo được một lối thoát vượt biên giới cho những ai theo đuổi nó. Mặc dù ông rời xa các nét vẻ và hình thức tạo hình khắc nghiệt nhưng Braque chưa bao giờ từ bỏ phong cách lập thể của mình. Điều này khiến sự nghiệp và các sáng tác của ông rất khác biệt so với các nghệ sĩ cùng thời.   Phân mảnh hình thể và thiết lập không gian chuyển động Braque mô tả các đối tượng thành nhiều mảnh, đây là cách gần nhất để nhận diện được các đối tượng trong không gian. Braque truyền đạt một cảm giác chuyển động của hình thể trong tranh. Sự truyền đạt chuyển động này không dựa vào đường nét nhưng dựa vào việc sử dụng màu sắc, ông lựa chọn một bảng màu trung tính, đơn sắc. Ông tin chắc một điều rằng, nó sẽ nhấn mạnh được những vấn đề trong tác phẩm. Tranh thời kỳ này ông dùng màu xanh lá, xám, vàng đất và nâu. Các đối tượng được phân mảnh trong tranh, các mảng và khối hình được tổ hợp lại tạo ra một cấu trúc hay một mạng lưới hình chắc chắn.  Tác phẩm Glass, pipe,and new paper năm 1917 Bức tranh housesat-l'estaque. Bức tranh thể hiện rỏ nhất những thái độ của Georges với lập thể. Một cách nhìn dưới ánh sáng quang học và hình tượng được tối giản. Từ 1908-1913 Braque đã bắt đầu quan tâm đến tính liên kết và phân mảnh. Ông tiến hành một nghiên cứu các hiệu ứng ánh sáng, góc nhìn và các phương tiện kỹ thuật mà họa sĩ sử dụng để đại diện cho những hiệu ứng này. Trong những cảnh làng của mình, Braque thường xuyên giảm bớt kết cấu, một hình thức hình học dạng khối lập phương, và thể hiện ba chiều bằng cách phân mảnh các hình ảnh. Ông đã cho thấy điều này trong bức tranh housesat-l'estaque. Tác phẩm này là một trong những bức tranh phong cảnh có vai trò quan trọng trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa Lập thể. Braque đã kết hợp “kiến trúc và thiên nhiên” trong sự tối giản hình tượng để làm rõ tính biểu hình thông qua đường nét và cảm xúc của bút pháp. Bỏ qua quy tắc phối cảnh trung tâm cổ điển và đơn giản một số chi tiết. Cấu trúc những ngôi nhà xây dựng mọc lên trên một ngọn đồi cách xa một cái cây khối hình trụ. Bức tranh mô tả một nhóm các ngôi nhà với một số cây cối và sườn đồi ở L'Estaque. Braque sử dụng giải pháp quan sát tổng thể để xây dựng bố cục lược giản chỉ còn lại nét, mảng hình, sắc độ nhẹ nhàng uyển chuyển… tạo nên sự cân bằng về thị giác một cách dứt khoát và có trật tự. Bức tranh là sự luân chuyển tính phức tạp của thiên nhiên sang một hình thức đơn giản hóa rõ ràng của chi tiết bối cảnh. Tổng thể bức tranh dường như không phải là một phong cảnh quá giống như một sự sắp xếp của hình thức và màu sắc nghệ thuật cổ điển mà để nhằm phục vụ cho những thỏa mãn thị hiếu quen thuộc của những con người yêu thích cách nhìn mới lạ trong nghệ thuật. ( trích luận văn thạc sĩ Nguyễn Duy Nhựt 2021) Braque thật sự đã đem lại cho họa sĩ Nhựt những nguồn cảm hứng về nghề. Ngay từ cách ông ấy theo đuổi con đường Lập thể một cách kiên định cũng đã làm cho anh có một động lực lớn lao trong sự nghiệp của mình. Braque đã nhìn thế giới trong thế kỷ 20 để tạo ra những tuyệt tác để đời, và ở thực tại hiện nay, thế giới đã nhiều đổi thay, họa sĩ Nhựt cũng đã quan sát và nhìn nhận thế giới với những góc nhìn của thời đại mới, thời đại của khoa học, thời đại của kỹ thuật số... Những tác phẩm của anh còn đề cấp đến những vấn đề bao quát hơn như về con người, về tâm linh và về xã hội. Sự suy tư về Lập thể của Braque là những chia sẽ hết sức hấp dẫn cho hoạ sĩ Nhựt trong việc đương đầu với sự tồn tại và những cam kết trong các sáng tạo nghệ thuật của mình. Hơn hết, anh chỉ mới bắt đầu phát triển bản thân với tư cách là một nghệ sĩ thì sự tôn trọng và ngưỡng mộ các bật vĩ nhân sẽ giúp anh xây dựng và hoàn thiện khát vọng của bản thân. ( mời các bạn đón đọc phần tiếp theo...)    

Hành trình xuyên hiện thực - Phần 2- Vượt nổi ám ảnh về Picasso
Hành trình xuyên hiện thực - Phần 2- Vượt nổi ám ảnh về Picasso

Hành trình xuyên hiện thực - Phần 2- Vượt nổi ám ảnh về Picasso

Pablo Ruiz Picasso - Người thống lĩnh chủ nghĩa lập thể   Bước đầu định hình được cái mà mình mong muốn theo đuổi, họa sĩ Nhựt vẫn say mê đi tìm nhiều hơn một lời giải thích cho những tác phẩm của mình. Lẽ dĩ nhiên, anh luôn lấy những thế hệ đi trước làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật, nhưng điều mà họa sĩ nào cũng đắn đo suy nghĩ đó chính là " làm cách nào để vượt ra khỏi những bóng hào quang huyền thoại". Dưới đây là những điều tự sự của họa sĩ Nhựt, những giới thiệu mang tính sơ lược về các giai đoạn và những tượng đài lớn trong nghệ thuật đã ảnh hưởng tới các phong cách sáng tác trên con đường thực hành nghệ thuật của bản thân anh. ( Những thông tin được trích trong luận văn thạc sĩ cá nhân của hoạ sĩ Nguyễn Duy Nhựt với tên gọi " HỘI HỌA LẬP THỂ TẠI VIỆT NAM VÀ QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN" -hoàn thiện vào năm 2021)        Picasso  sinh ngày  25/10/1881- là họa sĩ và là nhà điêu khắc người Tây Ban Nha.      Có thể nói  người tiên phong cho chủ nghĩa lập thể là Paolo Picasso và Georges Braque, điều mà họ làm được đó là xây dựng một cái nhìn khác của hội họa, cái đã tạo ra một phong trào nghệ thuật lớn từ 1907-1911 tại Pháp. Lập thể là phương pháp tiếp cận mục tiêu bằng việc loại bỏ những kỹ thuật truyền thống về phối cảnh, nó được xem như một giải pháp mới về hội họa hiện đại, đem lại cái nhìn ước lệ, thỏa mãn được trí tưởng tượng và khao khát chinh phục những con đường mới trong nghệ thuật. Với Picasso, nghệ thuật của ông mang tính cấp tiến cho nên, hầu như các nghệ sĩ ở thế kỷ 20 trở về sau khó có thể thoát khỏi những ảnh hưởng từ ông. Và họa sĩ Nhựt cũng không ngoại lệ, phong cách sáng tác của Picasso đã ảnh hưởng không ít trong vô vàn những phong cách mà anh nghiên cứu.    Các giai đoạn sáng tác của Picasso gồm có các giai đoạn sau: - Thời kỳ Lam ( 1901-1904) - Thời kỳ Hồng ( 1905-1907) -Thời kỳ ảnh hưởng văn hóa Châu Phi ( 1908-1909) - Thời kỳ Lập thể phân tích( 1909-1912) - Thời kỳ Lập thể tổng hợp ( 1912-1919) Trong vô vàn các tác phẩm của Picasso, anh có một ấn tượng với tác phẩm những cô nàng ở Avignon ( Les Demoiselles d' Avignon) (1907).  Mất 9 tháng để hoàn thành, tác phẩm là một dấu móc quan trọng đánh dấu một sự khởi đầu mới trong sự nghiệp sáng tạo của Picasso. Với lối thể hiện đầy táo bạo và khác biệt. Điển hình qua việc tạo hình các cô gái trong tác phẩm Avignon. Hình ảnh các cô gái được Picasso sử dụng thủ pháp “Khái lược hình tượng” bằng những đường thẳng mạnh mẽ, nhưng vẫn không xa rời cấu trúc tạo hình. Cách sử dụng những khoảng không gian trong tạo hình của Picasso cũng phá vỡ những quy cách thông thường của luật phối cảnh. Ông tinh tế sử dụng nhịp điệu và đường nét để tạo chuyển động và chiều sâu cho tác phẩm. Các nét vẽ thô cứng, đôi khi lại bị gẫy gắt, vặn vẹo của hình tượng không làm cho người xem cảm thấy khó chịu. Về phần miêu tả nhân vật, Picasso làm nổi bật hình tượng qua việc khắc họa những gương mặt của các cô gái, với đôi mắt nhìn xa xăm vô định kết hợp với các tư thế, dáng dấp khác nhau cho ta thấy được sự phong phú về mặt thị giác trền nền tảng của sự giản lược về cấu trúc tạo hình. Bên cạnh đó, Picasso chủ động thay đổi, bóp méo chân dung các nhân vật. Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi cho những người xem tranh. Dưới góc độ cá nhân nhận thấy, việc thấy đổi các gương mặt khác nhau chính là cách mà Picasso muốn kể chuyện và thể hiện nội dung của tác phẩm. Ta thấy nhóm hình ba cô gái với những đôi mắt vô định, được tạo hình với những gương mặt rõ nét. Trái ngược với hai cô còn lại, được tạo hình trong một góc khuất, và chân dung thì được miêu tả dưới lớp mặt nạ có nét ảnh hưởng của nền điêu khắc nguyên thủy Châu Phi. Phải chăng tác giả đang muốn thể hiện một câu chuyện về những góc tối của hai cô gái ấy dưới lớp mặt nạ kia. Như thông điệp mà Picasso muốn truyền tải về thân phận của những phụ nữ trong bối cảnh lịch sử đương thời, và các cô gái Avignon là những đại diện tiêu biểu cho cảm quan về nhân sinh của Picasso lúc bấy giờ. Bức tranh đã truyền cảm hứng cho tôi trong việc tìm kiếm những hình tượng sáng tác mới. Tôi trăn trở về cách dựng hình, ngẫm nghĩ về bố cục, suy tư về các kỹ thuật sáng tác. ( trích từ luận văn cá nhân hoạ sĩ )        Một tác phẩm nữa không thể không nhắc tới trong con đường tìm hiểu hội họa từ Picasso của anh đó là tác phẩm Guernica (1937)   Đây là kiệt tác hội họa của thời đại mà Picasso đã để lại cho nhân loại. Tranh với kích thước lớn 349 x776 cm được vẽ vào thời điểm thành phố Guerneca ( Tây Ban Nha ) bị đánh bom. Khi nghe tin quê hương bị tàn phá bởi phát xít Đức, ông đã đau khổ thay cho nổi đau nhân loại và vẽ nên bức tranh để bày tỏ tình yêu với quê hương đất nước, và để lên án một chế độ độc tài, thể hiện lòng căm giận với những kẻ cầm quyền. Bức tranh Guernica  được Picasso tối giản về màu sắc đến mức chỉ còn đen - trắng và vài vệt vàng nhạt. Sự tương phản sáng - tối trong những hình hài mang tính biểu tượng, vẫn không làm mất đi nét sinh động cho tổng thể bố cục của tác phẩm. Tổng thể bức tranh thoảng nhìn qua là những mảng hình vỡ vụn, được phơi bày trên một mảng không gian u ám của sự tang thương. Với lối sử dụng những đường nét thẳng, cong, gấp khúc…táo bạo, kết hợp với những nét chi tiết khắc họa đặc điểm và biểu cảm của từng nhân vật. Tất cả đã tạo nên một bối cảnh xã hội hỗn loạn, đau đớn, bất lực của của người dân với những thế lực chính trị. Những nét miêu tả đặc điểm nhân vật Picasso chủ động cách điệu theo một cách nhìn của trạng tái cảm xúc của riêng ông, như hình tượng người phụ nữ ôm con gào thét trong đau khổ, hay hình ảnh những xác người nằm xuống vì bom đạn, cùng với những thân phận con người đang kêu gào bất lực.  Cũng trên bình diện hỗn loạn ấy, ông miêu tả một chế độ độc tài xấu, ác và thế lực tay sai ngơ ngác thờ ơ với sự đau thương của người dân. Nếu như ở tác phẩm Những cô nàng ở Avignon chỉ là thay đổi biểu cảm của chân dung nhân vật dưới lớp mặt nạ châu phi, trên nền tảng tạo hình nhân vật theo lối “hiện thực hư ảo” Thì ở cách tạo hình nhân vật trong tác phẩm Guernica  cho ta liên tưởng đến chiều không gian thứ ba một cách rõ nét và gần như chạm đến với tư duy siêu thực. Có thể danh họa Picasso yêu hòa bình, phản đối chiến tranh không chỉ bằng hành động, lời nói mà bằng cả những nét vẽ của mình. Ông quan niệm vẽ về chiến tranh không phải là bom đạn, đao kiếm, mà chính là sự đau khổ, là địa ngục, tiếng gào thét của con người và cả động vật, là những em bé, phụ nữ, con ngựa, chim… Picasso ám chỉ sự vô cảm của những thế lực tay sai cho tội ác bằng hình tượng những con bò ngơ ngác yên lặng trước bối cảnh xã hội đang ai oán đau thương. Những hình tượng được mô tả bi thảm, chết chóc biểu thị sự nguyền rủa, lên án kẻ gây tội ác, mặt khác còn nói lên sự quật cường của người bị nạn đang nỗ lực vươn lên chiến thắng bóng đêm và các thế lực bạo tàn. ( trích từ luận văn cá nhân hoạ sĩ ) Hành trình tìm kiếm bản thân dựa trên việc kế thừa những tinh hoa của Picasso đã cho anh những trải nghiệm hội họa thật độc đáo, từng bước định hình được phong cách sáng tác riêng. Trong quá trình sáng tác, anh cũng tự cho mình những mục tiêu để vươn đến, mòn mỏi đi tìm các phong cách khác nhau, đi từ hiện thực đến trừu tượng rồi ý niệm, đến biểu hiện và siêu thực. Anh dày công nghiên cứu về Picasso về những giai đoạn đầu của trường phái lập thể tại Việt Nam. Những trăn trở trong việc lựa chọn khối hình, những băng khoăng trong bút pháp thể hiện, sự đắn đo về màu sắc trong tranh... tất cả là chăng đường khó khăn vất vả và đôi lúc bế tắt khi mà mãi anh vẫn chưa hiểu được bản thân mình thật sự muốn gì..... Mời bạn đón đọc phần tiếp theo!